Phạm Thái Bường
Lượt xem: 15620
    Phạm Thái Bường là một anh hùng đất Trà Vinh, tên ông được lấy làm tên một trường Trung học Phổ thông tại thành phốTrà Vinh, sau đây là đôi nét về ông.

    Phạm Thái Bường, bí danh Lê Thành Nhân, sinh năm 1915 tại xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Thân sinh ông là Phạm Thời, làm phu lục lộ Sở Trường tiền ở Trà Vinh. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình, nên năm 15 tuổi, chú bé Bường đã phải đi làm nghề phụ hồ để nuôi thân. Vốn sáng dạ và siêng năng lao động, học giỏi, nên sau một thời gian ngắn, chú đã trở thành thợ hồ có tay nghề cao tương đối vững.

    Năm 1937, phong trào Đông Dương Đại hội từ các đô thị lớn đã dội đến quê Bường. Nhiều cuộc biểu tình, diễn thuyết kêu đòi tự do, dân chủ, đòi cải thiện đời sống do những người cộng sản ở Trà Vinh chủ trương, đã lôi cuốn được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, trong số đó có anh thanh niên thợ hồ Phạm Thái Bường. Dần dần được giác ngộ, năm 1938, anh tham gia vào đội Hội Ái hữu và hoạt động tích cực trong giới thợ thủ công ở địa phương. Tháng 6-1938, Phạm Thái Bường được kết nạp vào ĐCSĐD. Đầu năm 1939, là Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Trà Vinh.

    Đầu năm 1940, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Trong khi đó, Bến Tre - tỉnh có cùng ranh giới chung với Trà Vinh là con sông Cổ Chiên – qua những đợt khủng bố của thực dân, phần lớn cơ sở Đảng ở đây bị đánh phá tan rã, Bí thư Tỉnh ủy cùng nhiều cấp Ủy viên tỉnh và huyện bị sa vào lưới mật thám Pháp. Trước tình hình đó, XUNK đã điều Phạm Thái Bường sang làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Cùng với những đồng chí còn lại sau đợt khủng bố, ông đã bắt tay củng cố phong trào, gây dựng lại cơ sở Đảng ở các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri…

    Đến khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (1940), Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy hưởng ứng tích cực lệnh của XUNK ban ra. Cuộc khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào. Phạm Thái Bường và hầu hết các thành viên trong Tỉnh ủy Bến Tre lần lượt bị bắt. Trong nhà lao đế quốc, bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, Phạm Thái Bường vẫn giữ vững khí tiết, không khai báo một điều gì làm phương hại đến phong trào. Tòa án của chính quyền thực dân kết án tù 10 năm và đày ra Côn Đảo.

    Khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, chính quyền cách mạng cử ngay một phái đoàn đưa phương tiện ra Côn Đảo rước các đồng chí bị giam giữ về đất liền. Phạm Thái Bường về trong chuyến tàu đầu tiên. Vừa về đến tỉnh nhà, người còn xanh xao gầy yếu, nhưng vì thấy tình hình khẩn trương, ông lao ngay vào công việc. Với tư cách là Phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Phạm Thái Bường đã cùng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, bắt tay vào việc xây dựng chính quyền mới, củng cố Mặt trận đoàn kết dân tộc, đồng thời tổ chức những lớp huấn luyện quân sự, chính trị cấp tốc để đối phó với âm mưu lấn chiếm của thực dân.

    Ngày 23-9-1945, giặc Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, sau đó mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ. Trong thời kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh (1946 – 1948), Phạm Thái Bường có một tầm nhìn rộng, thoáng, đã có những chủ trương và đối sách đúng đắn như củng cố khối đoàn kết dân tộc (Trà Vinh có rất đông đồng bào dân tộc Khmer và nhiều tôn giáo phức tạp), thực hiện chính sách ruộng đất của cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương… do đó đã đưa phong trào kháng chiến ở Trà Vinh sớm đi vào thế ổn định, chính quyền cách mạng từng bước được củng cố. Năm 1948, được bầu vào Khu ủy Khu 8, được phân công phụ trách 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Cũng tháng 6 năm này, được Khu ủy chỉ định quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

    Tháng 10 – 1949, Phạm Thái Bường được cử bổ sung vào Ban Thường vụ Khu ủy Khu 8, phụ trách công tác tổ chức cán bộ. Đầu năm 1953, được cử đi dự lớp chỉnh huấn của Trung ương mở tại Liên khu 5. Sau hiệp định Genève (7 – 1954), đồng chí dẫn đầu phái đoàn của Trung ương đi truyền đạt hiệp định đình chiến ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

    Từ năm 1954 đến năm 1959, là Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, kiêm Bí thư Liên tỉnh ủy miền Tây.

    Trong Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, có chân trong Trung ương Cục miền Nam.

   Năm 1963, phụ trách công tác tiếp nhận vũ khí chi viện bằng đường biển cho chiến trường Nam Bộ. Cuối năm 1965, là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Năm 1969, làm Bí thư Khu ủy 9.

    Tháng 3 – 1972, là Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong một cơn bệnh hiểm nghèo, đồng chí đã từ trần ngày 29-1-1974 tại một vùng căn cứ kháng chiến ở khu 9.

    Phạm Thái Bường đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng từ tuổi thanh xuân. Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng tận tụy với dân với nước, trước uy lực của kẻ thù, cũng như những khó khăn, gian khổ.