Dự án Tăng cường nâng cao năng lực quản lý bảo trợ Xã hội Việt Nam
Lượt xem: 4587
Tóm tắt cách thức dự án tuân thủ những yêu cầu trong 
Điều khoản Hoạt động 4.10 của Ngân hàng Thế giới 

liên quan tới các nhóm dân tộc thiểu số 


1. TÓM TẮT THÔNG TIN DỰ ÁN

1.  Mục tiêu dự án. Dự án hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo tổng thể của Chính phủ Việt Nam như đã nêu trong Nghị quyết Chính phủ số 80/NQ-CP về Định hướng Giảm nghèo Bền vững (2011 -2020) và Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về ‘Một số Vấn đề Chính trong Chính sách Xã hội Giai đoạn 2012-2020’. Dự án mong muốn tạo nền tảng giảm nghèo bền vững thông qua nhấn mạnh vai trò của hệ thống trợ giúp xã hội đầu tư cho trẻ em nghèo để tăng cơ hội trong cuộc sống của các em và phá vỡ vòng đói nghèo truyền kiếp. Do đó, một hệ thống hỗ trợ xã hội vững mạnh sẽ bổ trợ các hoạt động can thiệp song hành của bên cung cấp dịch vụ trong giáo dục, y tế và dinh dưỡng theo hướng tập trung vào các hộ nghèo và cận nghèo. Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội theo mục tiêu của dự án cũng góp phần hỗ trợ mục tiêu tổng thể cải thiện hiệu quả chi tiêu công cho trợ giúp xã hội.

2. Mục tiêu phát triểu của dự án là hỗ trợ Chính phủ tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội thông qua thực hiện các sáng kiến trong quản lý và triển khai hoạt động trợ giúp xã hội, và thử nghiệm các cải cách này ở bốn tỉnh dự án. 

3. Hợp phần của dự án. Dự án có ba hợp phần: Hợp phần 1 giúp hình thành những yếu tố quan trọng trong một hệ thống quản lý và triển khai trợ giúp xã hội hiệu quả. Hợp phần 2 hỗ trợ thử nghiệm hệ thống này thông qua chương trình trợ giúp xã hội hợp nhất ở bốn tỉnh (Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, và Trà Vinh) trong ba năm. Chương trình hợp nhất này mang tên “Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp”. Chương trình này sẽ thay thế ba chương trình hỗ trợ tiền mặt hiện thời, gồm Nghị định 12, Quyết định 49 và 268. Hợp phần 3 hỗ trợ phần nâng cao năng lực và quản lý chương trình.

Hợp phần 1: Hỗ trợ tăng cường hệ thống giảm nghèo và hỗ trợ xã hội ($32 triệu)  Các hoạt động dự án trong Hợp phần 1 giúp xây dựng các cơ chế triển khai trợ giúp xã hội hiệu quả hơn và tăng cường công tác giám sát năng lực thực hiện để tạo nền tảng thúc đẩy hợp nhất chương trình. Hợp phần này gồm các hoạt động sau ở cấp trung ương: (i) hỗ trợ phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia (v.d., cơ sở dữ liệu quốc gia về các đối tượng thụ hưởng tiềm năng của các chương trình trợ giúp xã hội), gồm số hóa thông tin các hộ được công nhận nghèo và cận nghèo ở tất cả các tỉnh; (ii) phát triển hệ thống thông tin quản lý (MIS) chung cho các chương trình trợ giúp xã hội để áp dụng toàn quốc; (iii) thúc đẩy tích hợp các chương trình và quá trình của công tác trợ giúp xã hội và tăng cường triển khai dịch vụ thông qua cải tiến các quy trình hoạt động, hệ thống chi trả mới thông qua cơ quan dịch vụ chuyên nghiệp và độc lập, cùng các công đoạn quản lý dựa trên cơ sở dữ liệu và MIS chung cho toàn quốc và theo dõi quá trình theo các trường thông tin; và (iv) hỗ trợ chính sách, nghiên cứu, truyền thông và tiếp cận đối tượng cũng như quản lý thay đổi toàn diện để tạo đồng thuận rộng rãi ở tất cả các cấp. Dự án sẽ phát triển các hoạt động cải thiện hệ thống này trên toàn quốc, và thử nghiệm ở bốn tỉnh. Hợp phần này cũng tài trợ chi phí hành chính thực hiện Chương trình Cơ hội Thoát Nghèo Truyền kiếp ở bốn tỉnh thí điểm, gồm sử dụng cơ quan chi trả độc lập và mạng lưới cộng tác viên thôn/bản. Cuối cùng, dự án sẽ hỗ trợ các tỉnh còn lại hình thành các điều kiện tiên quyết cần thiết (hướng dẫn, tập huấn, phần cứng và phần mềm) để áp dụng hệ thống mới trong quản lý và triển khai trợ giúp xã hội theo lộ trình phân kỳ.

Hợp phần 2: Hỗ trợ khởi động chương trình hỗ trợ xã hội hợp nhất (25 triệu USD)  Hợp phần 2 sẽ hỗ trợ khởi động việc hợp nhất quá trình thông qua Chương trình Cơ hội Thoát Nghèo Truyền kiếp ở bốn tỉnh thí điểm. Khoảng 210.000 hộ nghèo có trẻ từ 0-15 tuổi ở các tỉnh này sẽ được hưởng gói trợ cấp hàng tháng trong ba năm (2016-2018). Chương trình Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp có mục tiêu giúp các bậc cha mẹ có các quyết định hợp lý hơn trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục cho con em họ để giúp giảm nghèo truyền kiếp. Mục tiêu này được thực hiện qua các hoạt động sau: (i) hỗ trợ tiền cho cha mẹ đầu tư cho con, (ii) khuyến khích các hộ thụ hưởng tuân thủ các đồng trách nhiệm về hành vi chăm sóc sức khỏe và giáo dục, và (iii) hỗ trợ cha mẹ thông qua mạng lưới công tác viên thôn/bản thường xuyên tới thăm để tư vấn cách nuôi dạy con. Chương trình Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp sẽ trợ cấp tiền hàng tháng ở các mức khác nhau cho các hộ thụ hưởng ở các tỉnh thí điểm dự án trong ba năm (mức trợ cấp được xác định theo chế độ hiện hành của các chương trình được tích hợp). Hợp phần này sẽ cấp bù ngân sách chi trả trợ cấp còn thiếu cho các chương trình được thay thế trong Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp trong ba năm ở các tỉnh dự án. Phần ngân sách cấp bù giữa ngân sách Chính phủ cho các chương trình hiện hành cho ba năm ở bốn tỉnh dự án (92 triệu USD) và tổng chi phí ước tính của Chương trình Cơ hội Thoát Nghèo Truyền kiếp (117 triệu USD) chính là phần mở rộng đối tượng của Chương trình Cơ hội Thoát Nghèo Truyền kiếp. Phần cấp bù 25 triệu USD trong Hợp phần 2 chiếm 21 phần trăm chí phí ước tính của Chương trình Cơ hội Thoát Nghèo Truyền kiếp ở bốn tỉnh trong ba năm. Chương trình này sẽ được tiến hành vào năm thứ ba của dự án, khi MIS và các cấu phần khác của cơ chế triển khai trợ giúp xã hội đã định hình.

Hợp phần 3: Quản lý Chương trình (3 triệu USD). Hợp phần này hỗ trợ thành lập Ban Quản lý Dự án Trung ương và bốn ban quản lý dự án cấp tỉnh để giám sát phát triển hệ thống triển khai trợ giúp xã hội hiện đại, điều phối tích hợp các chương trình trợ giúp xã hội, quản lý và theo dõi quá trình thực hiện Chương trình Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp và công tác trợ giúp xã hội của Chương trình Nghị định 67/13, cũng như đảm bảo kiểm soát việc tuân thủ các quy định quản lý dự án. Hợp phần này cũng hỗ trợ theo dõi thường xuyên hiệu quả hoạt động của toàn dự án nói chung, gồm lập báo cáo tiến độ và kiểm toán. Ở cấp địa phương, dự án sẽ dựa vào các ban quản lý dự án cấp tỉnh và các ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và xã trong triển khai và theo dõi chương trình. Mục tiêu là dần đưa công tác triển khai dự án thành một phần trong nhiệm vụ thực hiện và triển khai chương trình thường xuyên, chứ không tạo thêm các ban quản lý dự án riêng.
4. Đối tượng thụ hưởng dự án. Dự án có hai đối tượng thụ hưởng chính. Thứ nhất, các cán bộ lao động-xã hội địa phương đang chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội chồng chéo sẽ hưởng lợi từ việc đơn giản hóa các quá trình thủ tục và nhờ đó giảm tải khối lượng công việc. Thứ hai, hộ thụ hưởng các chương trình trợ giúp xã hội sẽ hưởng lợi từ hệ thống quản lý và triển khai hiệu quả hơn, đặc biệt các hộ thụ hưởng ở các tỉnh thí điểm Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh, sẽ được nhận trợ cấp tiền và tư vấn cách nuôi dạy con em kịp thời và thuận tiện. 

2. TÓM TẮT ĐÁNH GIÁ XÃ HỘI VÀ THAM VẤN VỚI CÁC CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ (DTTS) TRONG QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ DỰ ÁN

5. Thiết kế và triển khai SASSP dựa trên nguyên tắc công nhận tầm quan trọng và nhu cầu cần có hệ thống an sinh xã hội chính thức trong bối cảnh tình trạng nghèo và dễ bị tổn thương ở Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng mới. Giảm tình trạng hỗ trợ xã hội manh mún và tăng cường cơ chế triển khai sẽ giúp tăng nguồn lực dành cho trẻ nghèo và trẻ DTTS. 

6. Các nhóm DTTS và Đánh giá Tác động Xã hội. Dự án tập trung tăng cường hệ thống trên toàn quốc và ở bốn tỉnh thí điểm, gồm Hà Giang, Quảng Nam, Trà Vinh, and Lâm Đồng. Theo kết quả Khảo sát Mức sống Dân cư (VHLSS), tỷ lệ hộ thụ hưởng DTTS ở Hà Giang là 96 phần trăm, ở Quảng Nam là 41 phần trăm, ở Lâm Đồng là 56 phần trăm, và ở Trà Vinh là 33 phần trăm, gồm các dân tộc chính như H’Mong, Tày, Dao, Nùng (Hà Giang), Cơ Tu, Xơ Dông (Quảng Nam), K’ho, Nùng, Tày (Lâm Đồng), Khmer, Hoa (Trà Vinh). 

7. Do dự án sẽ triển khai ở những vùng có các nhóm DTTS, Chính sách Đảm bảo của Ngân hàng Thế giới về các nhóm dân cư bản địa (OP 4.10) được đưa ra xem xét, và Đánh giá Tác động Xã hội được tiến hành theo OP 4.10 trong quá trình chuẩn bị dự án (xem chi tiết trong Báo cáo Đánh giá Tác động Xã hội). Đánh giá Tác động Xã hội có hai mục đích: (a) tìm hiểu các tác động tích cực và tiêu cực của dự án (để cung cấp thông tin cho thiết kế dự án và thiết kế các biện pháp giảm thiểu), và tham vấn các nhóm DTTS tại địa bàn dự án (theo OP 4.10) và khẳng định liệu cộng đồng dân cư nhìn chung có ủng hộ triển khai dự án không. Bên cạnh Đánh giá Tác động Xã hội, các hội thảo tham vấn địa phương khác nhau được tổ chức tại Hà Nội, Quảng Nam và Lâm Đồng từ đầu năm 2012. Các tham vấn trong Đánh giá Tác động Xã hội sử dụng phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và quan sát địa bàn. Tham vấn các nhóm DTTS trước dự án, trên cơ sở tự nguyện và cung cấp đầy đủ thông tin nhằm thu thập ý kiến của các nhóm DTTS về các hoạt động can thiệp theo đề xuất của dự án.

8. ĐGTĐXH khẳng định tác động tổng thể tích cực của dự án, và các nhóm DTTS ở địa bàn dự án nhìn chung ủng hộ các hoạt động của dự án, Tham vấn cho thấy, với kinh nghiệm từ các chương trình hỗ trợ tiền mặt hiện hành, đối tượng được tham vấn (gồm các đối tượng thụ hưởng tiềm năng và cả đối tượng không thụ hưởng) nhất trí về các tác động tích cực của dự án tới mức sống trước mắt và giảm nghèo lâu dài với các hộ thụ hưởng, gồm các nhóm DTTS. Các đối tượng được tham vấn đều nhìn nhận trợ cấp tiền mặt là hoạt động hỗ trợ ngân sách kịp thời và hiệu quả cho các hộ nghèo, đặc biệt các hộ thụ hưởng DTTS để cải thiện khả năng tiếp cận của con em họ với giáo dục, y tế và dinh dưỡng. Các đối tượng được tham vấn (qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm) cũng tin tưởng các hoạt động can thiệp của dự án sẽ góp phần cải thiện hệ thống trợ giúp xã hội manh mún và kém hiệu quả hiện thời. Trên thực tế, ở các địa bàn đang thử nghiệm một số hoạt động cải cách của dự án (như chi trả trợ cấp xã hội qua cơ quan chi trả độc lập), các bên hữu quan, gồm các hộ thụ hưởng, cho biết rất hài lòng với mức độ minh bạch thông tin, thuận tiện và an toàn.

9.  ĐGTĐXH đã điểm lại kinh nghiệm của các chương trình hỗ trợ tiền mặt hiện thời (Quyết định 49, 268 và Nghị định 67/13). Hầu hết các cộng đồng đều nhất trí đông đảo người dân địa phương ủng hộ trợ cấp tiền mặt để giảm nghèo và giúp trẻ được đến trường. Một bộ máy kiện toàn gồm chính quyền, ngành giáo dục và y tế, cùng các cơ quan đoàn thể từ trung ương đến cấp cơ sở, gồm một số cán bộ DTTS, được hình thành để triển khai các chương trình này. Trong một số trường hợp, các thể chế địa phương (gồm thể chế của các nhóm DTTS) đã góp phần liên kết chính quyền địa phương và các nhóm khác nhau một cách hiệu quả. Đồng thời, nhiều đối tượng được tham vấn bày tỏ một số lo ngại sau về hệ thống triển khai hiện thời: (a) khả năng tiếp cận thông tin kém, đặc biệt rào cản ngôn ngữ được xem là lý do chính khiến người dân không dự họp cộng đồng, không tham gia các tổ chức đoàn thể, không xem các bản tin xã hay tiếp nhận thông tin từ lãnh đạo thôn; (b) cơ chế xác định đối tượng thụ hưởng chưa chính xác, cảm nhận vẫn còn hiện tượng đưa nhầm và bỏ sót đối tượng trong danh sách hộ nghèo; (c) thiếu tính minh bạch, khả năng dự đoán, và công tác chi trả trợ cấp còn một số bất cập trong khả năng xác minh đối tượng thụ hưởng; (d) cơ chế xử lý thông tin phản hồi chưa hiệu quả do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách, chế độ, nhất là ở các nhóm DTTS; và có thể có khoảng cách giữa cán bộ địa phương và người dân; (e) công tác theo dõi các chương trình chưa hiệu quả, còn thiếu thông tin báo cáo. Các đối tượng tham gia khảo sát cho rằng những khó khăn này ở các nhóm DTTS còn lớn hơn do một số rào cản về văn hóa hay ngôn ngữ. Ví dụ, các cuộc tham vấn cho thấy mức độ coi trọng và sử dụng các dịch vụ giáo dục và y tế ở các nhóm DTTS tương đối khác nhau, do đó cần tăng cường công tác truyền thông, vận động và các hoạt động hỗ trợ đi kèm chi trả trợ cấp.

10. Thiết kế dự án cố gắng giải quyết các vấn đề cụ thể do các cộng đồng dân cư đề cập thông qua tăng cường hệ thống quản lý và triển khai trợ giúp xã hội, gồm các cơ chế xác định đối tượng, quản lý đối tượng, chi trả trợ cấp, hỗ trợ quy trình giải quyết thông tin phản hồi, và cải thiện hệ thống theo dõi và đánh giá. Một lo ngại khác được nêu ra trong các cuộc tham vấn với cán bộ địa phương là khả năng tạo ra lối sống trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng vào trợ cấp xã hội. Dù các nhóm dân địa phương không hoàn toàn nhất trí với quan điểm này, dự án đã giải quyết lo ngại này thông qua hoạt động đầu tư vào mạng lưới cộng tác viên thôn/bản sẽ chịu trách nhiệm giúp đỡ các hộ có cách nuôi dạy con hiệu quả hơn, theo các phong tục tập quán phù hợp, và nâng cao khả năng sử dụng các dịch vụ giáo dục, y tế.

11. Vấn đề giới. Dự án có tính tới vấn đề giới. Kết quả Khảo sát Mức sống Dân cư cho thấy vấn đề giới không phải là nhân tố quyết định quan trọng trong tình trạng nghèo ở Việt Nam, và các kết quả phát triển con người đối với trẻ em không thể hiện các khác biệt đáng kể giữa các em trai và em gái. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy các em gái và phụ nữ DTTS phải chịu những thách thức đặc thù trong khả năng tiếp cận giáo dục và y tế. Trong quá trình chuẩn bị dự án, ĐGTĐXH đã thực hiện tham vấn phân theo giới tính. Do đa số đối tượng thụ hưởng dự án thuộc các nhóm DTTS, vấn đề giới đã được lồng ghép trong thiết kế dự án cùng các yếu tố cần thiết của Kế hoạch Phát triển cho các Nhóm DTTS. Do dó, không cần chuẩn bị Kế hoạch Hành động cho Vấn đề Giới riêng. Quá trình chuẩn bị dự án khẳng định tham vấn chia theo giới, lồng ghép vấn đề giới (vào thiết kế dự án), và kế hoạch theo dõi và đánh giá (đối với lồng ghép vấn đề giới vào hoạt động dự án) được phác thảo cho phép dự án theo dõi tiến triển lồng ghép vấn đề giới và chỉnh sửa cần thiết để nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện dự án.

12. Các khâu thiết kế và triển khai Chương trình Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp ở Hợp phần 2 có tính tới vấn đề giới, theo đề xuất của ĐGTĐXH. Thứ nhất, trợ cấp tiền trong Chương trình Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp sẽ chi trả cho phụ nữ trong hộ. ĐGTĐXH cho thấy phụ nữ trong các hộ có khả năng thụ hưởng, gồm trong các nhóm DTTS, thường là người giữ tiền trong hộ và có xu hướng chi tiền mua gạo, thức ăn và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của trẻ, gồm các nhu cầu về giáo dục, y tế. Ở các địa bàn dự án, thường cả vợ và chồng cùng ra quyết định chung về sử dụng tiền trợ cấp. Việc phụ nữ giữ thu nhập gia đình, theo ĐGTĐXH, phù hợp với truyền thống ở Việt Nam nơi phụ nữ thường quản lý ngân sách gia đình. Một lợi thế nữa là do hầu hết công tác viên chương trình và trưởng nhóm thụ hưởng là phụ nữ, hầu hết các cộng tác viên thôn/bản dự án tuyển dụng sẽ là phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tham gia các hoạt động cộng đồng như chia sẻ kinh nghiệm và tạo đồng thuận cho các hoạt động tập thể. ĐGTĐXH cũng cho thấy họ không gặp trở ngại nào khi tham gia các hoạt động dự án, và không có tác động tiêu cực tới khối lượng và phân công công việc gia đình, cũng như tới quan hệ xã hội của họ trong hộ gia đình và cộng đồng.

3. CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG CAN THIỆP CỦA DỰ ÁN PHÙ HỢP VỀ VĂN HÓA  VỚI CÁC CỘNG ĐỒNG DTTS CHỊU TÁC ĐỘNG

13. Điều khoản Hoạt động OP4.10 (về các nhóm DTTS) của Ngân hàng Thế giới được xem xét. Do vậy, ĐGTĐXH được thực hiện, gồm tham vấn chia theo giới. Ngoài ra, các yếu tố cần có của Kế hoạch Phát triển cho các Nhóm DTTS được lồng ghép vào thiết kế dự án để đảm bảo được chấp nhận thực thi trong quá trình triển khai dự án. Các phát hiện trong ĐGTĐXH khẳng định tác động xã hội tổng thể của dự án là tích cực, và các phát hiện này được lồng ghép trong thiết kế, triển khai, theo dõi và đánh giá dự án. Ngoài ra, các yếu tố cần có của Kế hoạch Phát triển cho các Nhóm DTTS được lồng ghép vào thiết kế dự án để đảm bảo được chấp nhận thực thi trong quá trình triển khai dự án. 

14. Dự án giải quyết những hạn chế trong công tác trợ giúp xã hội hiện thời có thể gây thiệt thòi cho các nhóm DTTS (như đã chỉ ra trong ĐGTĐXH). Do đó, dự án hy vọng thúc đẩy các nhóm DTTS tham gia hệ thống trợ giúp xã hội thông qua nâng cao nhận thức, tăng tính minh bạch trong quản lý đối tượng và chi trả trợ cấp, hỗ trợ nuôi dạy con em thông qua mạng lưới cộng tác viên thôn/bản, tăng cường hệ thống giải quyết thông tin phản hồi và các cơ chế theo dõi. Sổ tay Hướng dẫn và các tài liệu liên quan sẽ lưu tâm tới các hạn chế và nhu cầu phát sinh được phản ánh trong các tham vấn cộng đồng, gồm:

Chiến lược truyền thông của dự án và các cuộc vận động tuyên truyền tại địa phương sẽ được địa phương hóa để phù hợp nhu cầu cụ thể của các nhóm DTTS khác nhau, đặc biệt liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa. Việc soạn thảo chiến lược truyền thông sẽ lưu ý các khác biệt về cách phổ biến thông tin đối với các nhóm DTTS khác nhau và cố gắng đưa vào các cấu trúc thể chế truyền thống phù hợp, cũng như thu hút sự tham gia của các tổ chức DTTS chính thức và phi chính thức ở các địa bàn dự án vào công tác truyền thông. Ngoài ra, việc sử dụng cộng tác viên thôn/bản cho phép hỗ trợ và tư vấn cho các hộ thụ hưởng DTTS bằng ngôn ngữ của họ và theo những phương thức phù hợp văn hóa của họ. Cộng tác viên thôn/bản sẽ được khuyến khích tích cực hỗ trợ các hộ thụ hưởng khó tiếp cận hay có khả năng tổn thương cao. 

Cộng tác viên thôn/bản sẽ được tuyển chọn từ các cộng đồng địa phương và được tập huấn sao cho đủ khả năng nhạy cảm trước nhu cầu và văn hóa của các nhóm DTTS khác nhau ở địa bàn họ phụ trách. Việc biên soạn chiến lược và các tài liệu hỗ trợ kỹ năng nuôi dạy con sẽ lưu ý tới các khác biệt văn hóa trong hành vi nuôi dạy con của các nhóm DTTS khác nhau và các thay đổi hành vi đặc thù.

Tập huấn cho cán bộ địa phương, cộng tác viên thôn/bản và các bên cung cấp dịch vụ phù hợp văn hóa của họ và có chú ý vấn đề giới. Dự án sẽ xác định các hạn chế cụ thể thông qua đánh giá nhu cầu tập huấn và phát triển chiến lược, tài liệu tập huấn phù hợp sao cho cách thức tiến hành các hoạt động dự án không bỏ sót các nhóm đối tượng cần quan tâm và phù hợp văn hóa địa phương.

Trợ cấp sẽ được chi trả qua cơ quan chi trả độc lập vào thời gian cố định và tại địa điểm cố định, giúp các đối tượng thụ hưởng DTTS nghèo dễ nắm bắt và gặp thuận lợi hơn. Trợ cấp sẽ trả cho phụ nữ trong hộ thụ hưởng quản lý chi tiêu.

Các cơ chế giải quyết thông tin phản hồi sẽ điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu các nhóm DTTS cụ thể về ngôn ngữ và các tập tục văn hóa về phản hồi thông tin. Quá trình này trong dự án sẽ cho phép các nhóm DTTS, gồm những người không có nhiều quan hệ chính trị, vẫn có điều kiện phản ánh thông tin.
Kết quả dự kiến của dự án sẽ được theo dõi và đo trong khung kết quả cũng như thông qua đánh giá quá trình các cải cách triển khai dịch vụ được thử nghiệm trong Chương trình “Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp”. Các hoạt động theo dõi và đánh giá dự án sẽ có các chỉ tiêu cho phép phân tích chia tổ theo giới tính và dân tộc. 

4. KHUNG HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO THAM VẤN TRƯỚC, TỰ NGUYỆN VÀ CUNG CẤP ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN VỚI CÁC CỘNG ĐỒNG DTTS CHỊU TÁC ĐỘNG TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI DỰ ÁN

15. Cách tham vấn trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án sẽ giống nhau. Các phương pháp như phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, và quan sát địa bàn, sẽ tiếp tục được áp dụng để đảm bảo độ tin cậy của thông tin tham vấn. Nguyên tắc tham vấn trước, tự nguyện và cung cấp đầy đủ thông tin được duy trì trong các cuộc tham vấn với các nhóm DTTS. Tham vấn có lưu ý các đặc điểm văn hóa, xã hội của các nhóm DTTS mục tiêu để đảm bảo sự phản hồi của họ dựa trên hiểu biết đầy đủ về mục đích, các hoạt động và tác động tiềm tàng của dự án. Các phát hiện từ tham vấn cũng được chia sẻ với các nhóm DTTS và các bên hữu quan để họ phản hồi. Báo cáo ĐGTĐXH sẽ tiếp tục được cập nhật khi cần thiết để phản ánh thông tin phản hồi từ địa bàn trong quá trình triển khai dự án.

16. Báo cáo khẳng định không có các rủi ro hay vấn đề xã hội nào có thể tiên lượng vượt ra ngoài khuôn khổ các chính sách đảm bảo.

17. Tổ chức triển khai các chính sách đảm bảo xã hội. Các bên hữu quan chính gồm các cán bộ lao động cấp trung ương và địa phương chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội hiện hành, các đối tượng thụ hưởng tiềm năng, các cộng đồng và lãnh đạo thôn/bản ở bốn tỉnh dự án. Bộ LĐ-TB-XH đã có kinh nghiệm về các chính sách đảm bảo xã hội của Ngân hàng Thế giới và có năng lực thực hiện các chính sách đảm bảo. Trong năm đầu triển khai dự án, Ban QLDA trung ương và tỉnh sẽ được tập huấn để đảm bảo tiếp tục tham vấn với các nhóm DTTS, và các vấn đề giới sẽ được giải quyết trong quá trình triển khai các hoạt động dự án. Tập huấn sẽ được lặp lại, đặc biệt với các ban QLDA cấp tỉnh trên cơ sở đánh giá tập huấn và kết quả áp dụng./.

Tải báo cáo "Đánh giá tác động xã hội"

1. Bản tiếng Việt

Bản đầy đủ
Bản tóm tắt

2. English version

full version
summary version
Tin khác
1 2