Mỹ Long - Vùng đất biển luôn đi đầu trong gian khó
Lượt xem: 28021
Mỹ Long là vùng đất ven biển của tỉnh Trà Vinh có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang, luôn đi đầu trong phong trào cách mạng và sáng tạo trong lao động sản xuất. Vùng đất biển này còn có những nét văn hóa độc đáo của tập quán lao động sản xuất, trong đó lễ hội Nghinh Ông (cúng biển) là một biểu trưng. 

Tượng đài Đồng Khởi, thị trấn Mỹ Long

Đi đầu trong phong trào cách mạng

Mỹ Long có quá trình hình thành khá sớm, nơi người Việt đến định cư vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Đến đầu thế kỷ XIX, nơi đây hình thành nên một ngôi làng, mang tên là làng Long Hậu (địa giới gần trùng với các xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long ngày nay). Đến đầu đời Minh Mạng (khoảng năm 1830), Long Hậu chính thức được đưa vào sổ Địa bạ của triều đình. Như vậy, đây là một trong những ngôi làng cổ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng, cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Mỹ Long nay được chia thành 3 đơn vị hành chính cấp xã là Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long. Trong bài viết, chúng tôi xin được gọi chung 3 đơn vị hành chính này là vùng đất ven biển Mỹ Long. Người Mỹ Long vẫn luôn tự hào với nơi mà mình đang sống vì đã có quá trình hình thành lâu dài cùng với lịch sử vẻ vang. Đó là trải qua các thời kỳ, người Mỹ Long luôn đi đầu trong đấu tranh chống lại các thế lực áp bức, bóc lột.

Năm 1867 khi thực dân Pháp chiếm thành Vĩnh Long và xua quân bình định vùng đất nay là tỉnh Trà Vinh thì Đề Triệu (Trần Văn Triệu) là vị chủ tướng đứng lên dấy binh khởi nghĩa. Như vậy, ngay từ những ngày đầu chống Pháp thì cư dân Mỹ Long đã tập hợp nhau chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ tụ nghĩa của thủ lĩnh Đề Triệu. Tiếp sau đó là các phong trào khởi nghĩa mang xu hướng Văn thân (do các sĩ phu, thân hào, nhân sĩ yêu nước khởi xướng), phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, phong trào Đông du, phong trào Thiên địa hội... không ngừng dấy lên trên vùng đất biển này nhằm chống lại các thế lực áp bức, bóc lột, khôi phục lại tự do, chủ quyền đất nước. Các phong trào yêu nước này lần lượt thất bại nhưng đã nói lên ý chí quật cường, không chịu áp bức của người dân Mỹ Long và nó cũng hun đúc chí khí chống xâm lược, lòng yêu nước cho thế hệ đi sau. Đây là tiền đề quan trọng cho công cuộc kháng chiến trường kỳ sau này.

Trong thời kỳ chống Pháp, Mỹ Long luôn được chọn làm nơi để tổ chức những sự kiện quan trọng có tầm ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng của huyện, tỉnh, Xứ ủy Nam kỳ. Năm 1927, tại ngôi miễu Linh Sơn (nay là Chùa Giác Linh thuộc xã Mỹ Long Bắc, đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1998) đã chứng kiến sự ra đời của Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, rồi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, một trong 3 Chi bộ đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Cũng tại nơi đây, nhà cách mạng Dương Quang Đông đã triệu tập các hội nghị thành lập Huyện ủy Cầu Ngang, Tỉnh ủy Trà Vinh. Ngày 01/9/1943 cũng tại chùa Giác Linh, đồng chí Dương Quang Đông tổ chức cuộc họp trù bị (tham dự có 11 đại biểu đến từ Sài Gòn và các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Tây Nam bộ) thành lập lại Xứ ủy Nam kỳ.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mỹ Long lại được Tỉnh ủy chọn làm xã điểm để nhân dân nhất tề đứng đậy làm cuộc Đồng khởi ngày 14/9/1960. Đồng khởi ở Mỹ Long giành thắng lợi đã tạo điều kiện, cả về vật chất lẫn tinh thần dẫn đến thành công cho cuộc Đồng khởi qui mô rộng lớn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Luôn xung phong đi đầu trong hai cuộc kháng chiến đã chứng minh khí phách anh hùng của người dân Mỹ Long. Theo nhà văn Trần Dũng: “Từ lúc khai hoang mở cõi cho đến các cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có thể khẳng định mảnh đất Mỹ Long rất giàu truyền thống cách mạng là chiếc nôi, là căn cứ đứng chân của Tỉnh ủy, của lực lượng vũ trang cấp huyện, tỉnh. Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều nhân vật kiệt xuất cho hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ”. Đó là những nhà cách mạng tên tuổi lẫy lừng như: Dương Quang Đông, Dương Công Nữ, Trương Văn Kỉnh, Nguyễn Duy Khâm... đã đóng góp rất lớn cho công cuộc giải phóng đất nước. Với những thành quả cách mạng đó, năm 1976, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Mỹ Long (một trong những xã đầu tiên của tỉnh Trà Vinh) được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sáng tạo trong lao động

Chuyện chống giặc ngoại xâm là vậy, còn chuyện lao động sản xuất thì các thế hệ cư dân Mỹ Long tiếp nối truyền thống cha ông luôn cần cù, chịu thương chịu khó, năng động sáng tạo biến vòng quay của đất thành vàng, biến ngư trường thành bạc để làm giàu cho quê hương xứ sở. 

Nghề trồng màu ở xã Mỹ Long Bắc

Do địa hình vùng ven biển Mỹ Long một bên là đất giồng cát, một bên là biển nên kinh tế toàn vùng cũng rất đa dạng và được phân chia thế mạnh khá rõ rệt. Mỹ Long Bắc chuyên trồng hoa màu, Mỹ Long Nam chuyên nuôi thủy sản, thị trấn Mỹ Long chuyên đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề biển, từ đó hình thành nên những ngành nghề truyền thống. Trên những dãy đất giồng cát (nay thuộc xã Mỹ Long Bắc) người dân trồng lúa, các loại hoa màu và nổi tiếng từ thập niên 1920 như dưa hấu, thuốc giồng... nhờ được bón bằng phân cá vụn từ làng cá Bến đáy nên rất ngon. Trong khi đó, người dân ven biển thị trấn Mỹ Long từ lâu đã hình thành làng nghề đi biển truyền thống. Thiên nhiên ưu đãi cho Mỹ Long có được điều kiện tự nhiên khá lý tưởng để khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Do Mỹ Long nằm bên cửa biển Cung Hầu với chiều dài hơn 15 km, vị trí giao hòa giữa sông và biển nên sản vật cá, tôm từ sông đổ ra biển rất dồi dào. Bên ngoài là ngư trường lớn, bên trong lại có rất nhiều bãi bồi phù sa, luồng lạch thuận tiện cho việc ra khơi vào lộng. Ngư dân Mỹ Long dựa theo dòng hải lưu từ cửa sông đổ ra biển mà hình thành nên những tập quán đánh bắt khá đa dạng, trong đó có nghề đóng đáy hàng khơi. Đáy hàng khơi là nét văn hóa đánh bắt đặc trưng có thể gọi là “thương hiệu” của ngư dân vùng biển Mỹ Long. Chính xuất phát từ việc cả làng làm nghề đáy mà tên đất, tên chợ xứ này người ta gọi là Bến Đáy. “Những năm 1930 đến 1970, hầu như nhà nào ở Bến Đáy này cũng đều làm nghề biển, nhà nào cũng có ít nhất vài miệng đáy và đóng rất trúng”- ngư dân Nguyễn Văn Đẹp ở khóm 1, thị trấn Mỹ Long nhớ lại. Nghề đóng đáy hàng khơi đã nuôi sống đại đa số người dân ở đây vì vậy ở Mỹ Long hiện nay vẫn còn truyền tụng câu: “Muốn ăn cá rựa bình thiên. Cưới con Cả Huyền đóng đáy hàng khơi” như vừa để nói lên sự thịnh hành của nghề đóng đáy và cũng để nhớ ơn cụ Cao Văn Huyền, người có công sáng lập cũng như phát triển nghề đáy hàng khơi ở Mỹ Long. Mức độ phát triển và trình độ tay nghề của ngư dân Mỹ Long đạt đến mức hàng đầu khu vực ĐBSCL vào những năm 1930 kéo dài nhiều thập niên sau đó rồi lan tỏa ra cả vùng Nam bộ. Đáy hàng khơi đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế vùng đất biển Mỹ Long và hình thành nên những nghề “ăn theo”. 

Đáy hàng khơi, thị trấn Mỹ Long

Nếu như những người đàn ông không ngại hiểm nguy đánh bắt ngoài khơi thì những người phụ nữ ở nhà cũng đảm đang không kém. Từ bản tính cần cù, chịu khó sẵn có mà những người phụ nữ xứ biển này chế biến những món quà biển thành mắm, khô đặc sản, từ đó hình thành nghề truyền thống. Nghề “ăn theo” này có từ rất lâu nhưng nhỏ lẻ, tự phát trong mỗi gia đình có làm nghề đáy. Đến năm 2011, UBND tỉnh Trà Vinh công nhận làng nghề khai thác sơ chế, chế biến thủy hải sản ở thị trấn Mỹ Long thì làng nghề này mới phát triển mạnh mẽ, hình thành nên chuỗi sản xuất và cung ứng ra thị trường. Hiện nay có gần 50 hộ với hơn 10 cơ sở sơ chế, chế biến thủy hải sản, giải quyết hàng trăm lao động tại địa phương. Những sản phẩm khô như: khô cá lù đù, cá lưỡi trâu, cá khoai... hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 2.600 tấn mang về gần 100 tỉ đồng. Những đặc sản này nay đã bay xa khỏi thị trường trong tỉnh mang tiếng thơm về cho xứ biển Mỹ Long. Chính biển là bầu sữa đã san sẻ với con người phần nào gánh nặng áo cơm.

Ngoài khai thác đánh bắt, ngư dân ở thị trấn Mỹ Long cùng hai xã Mỹ Long Bắc và Mỹ Long Nam nhiều năm qua đã nuôi thành công con tôm sú, tôm thẻ chân trắng với hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh công nghệ cao đạt hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2009, một lần nữa vùng đất biển Mỹ Long lại tiên phong đi đầu khi xã Mỹ Long Nam là 1 trong số 11 xã của cả nước được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Những khó khăn thách thức lại đặt ra cho một xã thuộc dạng nghèo nhất, nhì của tỉnh. Đời sống người dân khi ấy còn chát đắng trên những cánh đồng nhiễm phèn, ngập mặn; năn, lác đầy đồng bó chân những người nông dân cơ cực. Nhưng với truyền thống đoàn kết, bản tính vượt khó đi lên của cha ông truyền lại, biết sáng tạo trong lao động, nắm bắt thời cơ, con người Mỹ Long Nam đã biến những cánh đồng năn, lác, nhiễm phèn, ngập mặn ngày nào thành những cánh đồng tôm. Chính con tôm đã làm nên cuộc đổi đời cho người dân vùng đất biển này và góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Mỹ Long Nam hoàn thành xứ mệnh tiên phong của mình khi xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2014. Tháng 4 năm 2021, xã Mỹ Long Nam và Mỹ Long Bắc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và mục tiêu sẽ xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022. Đến với vùng đất biển Mỹ Long ngày nay, hai bên những con đường nhựa mới là những cánh đồng hoa màu xanh mướt mắt; những cánh đồng nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh mật độ cao nối tiếp nhau lấn rừng chạy về phía biển. Bộ mặt nông thôn vùng đất biển Mỹ Long nay đã đổi mới thật nhiều.

Trong đấu tranh giành độc lập, các thế hệ cư dân Mỹ Long đã kiên trung bất khuất, đi đầu trong gian khó; trong thời kỳ xây dựng đất nước, con người nơi đây luôn năng động, sáng tạo biết áp dụng khoa học công nghệ, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, biết biến những tiềm năng, thế mạnh của biển, đất ven biển thành của cải, hàng hóa phục vụ ngày càng tốt hơn cuộc sống con người cũng như đẩy nhanh công cuộc phát triển diện mạo kinh tế – xã hội địa phương./.

 Nguyễn Văn Chót

Tài liệu tham khảo:

1. Huyện ủy Cầu Ngang, “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Mỹ Long anh hùng”, (2007).

2. Huyện ủy Cầu Ngang, “Lịch sử đảng bộ và nhân dân huyện Cầu Ngang, giai đoạn 1975-2010”, (2015).

3. Trần Dũng, “Văn hóa dân gian làng biển Mỹ Long” tài liệu đánh máy.