DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT MINH ĐỨC CUNG
Lượt xem: 10685
Minh Đức Cung còn gọi là chùa Ông Bổn tọa lạc ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Đây là một công trình nghệ thuật tiêu biểu của đồng bào Hoa ở Cầu Kè nói riêng và Trà Vinh nói chung.


Minh Đức Cung được xây dựng cách nay hơn 200 năm. Lúc mới xây dựng ngôi chùa đơn sơ, đến năm 1885 thì tiến hành tu bổ quy mô, kiên cố và có kiểu dáng kiến trúc được giữ nguyên đến nay.

Minh Đức Cung có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (trong chữ công ngoài chữ quốc). Mặt bằng tổng thể gồm ba tòa nhà nằm ngang song song tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện. Dọc hai bên là hai dãy nhà Tả đạt, Hữu thông (Đông lang, Tây lang) hướng vào ba tòa nhà này tạo thành một công trình khép kín như hình chữ “khẩu”. Trước chùa có nhà thảo bạc (nhà vỏ ca), ngoài sân có bàn thờ Thiên Công (Ông Thiên).

Mặt chính của chùa có ba cửa ra vào, một cửa ra vào điện thờ, hai cửa hai bên ra vào Tả đạt Hữu thông. Bên trong trung điện có hai cửa hông đối diện nhau thông ra Tả đạt và Hữu thông tạo thành ngũ môn kín. Mái chùa thiết kế tầng bậc, lợp ngói âm dương tiểu đại tráng men mặt trên, ngói lợp và ngói bịt đầu mái đều tráng men màu xanh ngọc. Khung sườn chịu lực làm bằng gỗ quý gồm: tiền điện 4 cột bát giác, trung điện 4 cột vuông, chính điện 16 cột với 2 cột bát giác và 14 cột tròn. Kê chân cột là các tảng đá vuông một hoặc hai tầng và tảng đá bát giác một hoặc ba tầng. Nền chùa lát gạch tàu lục giác, vuông, hoặc gạch thẻ; vách xây tường. Nội thất chùa bố trí, trang trí các khánh thờ, bàn thờ, hoành phi, liễn đối, tranh tường cùng các mảng chạm khắc tinh xão, độc đáo.

Từ ngày xây dựng đến nay, hệ thống thờ tự ở Minh Đức Cung không thay đổi, gồm các vị thần thánh như: Bổn Đầu Công (Ông Bổn), Néak-ta, Thần Nông Đại Đế, Quan Âm Bồ Tát, Bổn Cung Cố Viên Chi Vị, Tiền Hiền - Hậu Hiền, Thần Long, Thần Hổ, Thiên Công (Ông Thiên), Thụ Thần (Thần Cây).

Từ ngoài đi vào trước hết là Bàn thờ Thiên Công xây dựng trước sân đây là dạng bàn thờ Ông Thiên của cư dân Nam Bộ. Hai bên bàn thờ có câu: Thiên quan tứ phúc, Thần ân tí hữu (Trời ban phước lành, ơn thần che chỡ). Kế đến là thảo bạc (võ ca) theo kiểu một căn hai cháy, mái lợp ngói vẩy cá, nền lát gạch tàu. Trên các cột trang trí các câu liễn đối gắn với tên chùa và các bức bích họa.

Nối liền thảo bạc là tiền điện, mái lợp ngói âm dương tiểu đại. Mặt trên của ngói tráng men màu xanh ngọc. Phía ngoài tiền điện là sảnh (hàng hiên). Sảnh là mặt tiền của chùa nên được trang trí rất công phu. Thân cột thì chạm khắc câu đối, đầu cột, chân cột chạm nổi long, lân, dơi ẩn trong mây. Toàn bộ vách sảnh trang trí các tranh vẽ hoặc vẽ tranh kết hợp phù điêu khảm sành sứ với các chủ đề như: bách sự cát tường, niên niên phong thụ, gia quan tấn tước, chiêu tài tiến bảo, phúc hải thọ sơn, ngọa băng đắc lý, tùng lộc đồng xuân,…cùng các tranh vẽ cảnh sơn thủy, hoa điểu... Các đầu xà thì chạm trỗ mô típ đầu rồng cách điệu. Phần thân xà cũng như các mảng ghép phía dưới và giữa  hai cây xà thì chạm thủng nhiều lớp các tích truyện có hình người, ngựa, xe, nhà hoặc chạm hoa lá, muông thú. Tại góc giao giữa xà và cột ghép tiểu tượng lân, trên các xà đội chạm khắc và ghép các mảng chạm khắc đề tài tứ linh, tích truyện, hoa lá, muông thú. Tất cả các mảng chạm trỗ đều thếp vàng. Cửa chùa gồm hai cánh được làm bằng gỗ quý, trên cửa vẽ hai môn thần Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung đứng cầm đao búa, mặc giáp trụ để bảo vệ bình yên cho chùa.

Tiếp nối tiền điện là trung điện là ngôi nhà có chiều ngang ngắn hơn tiền điện và chính điện. Nền trung điện lát gạch tàu lục giác, chữ nhật, mái lợp ngói âm dương tiểu đại, khung sườn chịu lực đều bằng gỗ, các cột đều trang trí các câu liễn đối viết bằng chữ Hán. Hai bên trung điện là sân Thiên tĩnh (giếng trời) là khoảng trống để hứng nắng gió, không khí nhằm lấy thêm ánh sáng, thoát hương khói làm thoáng bên trong chùa. Thiên tĩnh bên trái có bàn thờ Thần Long bên phải là bàn thờ Thần Hổ cùng bốn bức tranh với chủ đề Canh, Tiều, Ngư, Mục.

Các đầu xà, trụ đội của trung điện đều được chạm khắc và ghép những mảng chạm khắc chủ đề tứ linh, tôm cua, các tích truyện. Đây là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được tạo tác từ khi xây dựng ngôi chùa (1885). Cũng ở trung điện, dọc theo sân Thiên tĩnh còn bố trí hai dàn nghi trượng hai bên, mỗi dàn 09 binh khí.

Trong cùng là chính điện cũng lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu gồm ba gian thờ thờ bố trí như sau:
Gian giữa thờ Đại Bổn Đầu Công: Khánh thờ đặt trong cùng sát vách làm bằng gỗ quý màu đen huyền, hoa văn thếp vàng. Khánh thờ được chạm khắc rất tinh xảo, kỹ thuật cham khắc có chạm bong, chạm thủng, chạm nổi đề tài song long tranh châu, tích truyện và hoa lá và câu đối. Trong khánh thờ là tượng Đại Bổn Đầu Công sơn son thếp vàng. Tượng ngồi mặc kim bào, mặt đỏ râu trắng, tay phải cầm kiếm trông rất lẫm liệt, uy linh. Trước khánh là bức cửa võng (bao lam) bằng gỗ thếp vàng, chạm trỗ hoa lá, muông thú rất tỉ mỹ, tinh xảo.
Trước khánh thờ là bàn thờ Đại Bổn Đầu Công, phía dưới là nơi thờ Néak-tà, phía trước là bàn bàn ngũ sự, bên trên là hoành phi “Thánh đức như thiên” trên nền rồng, cá, hoa lá và hoành phi “Cộng đăng nhân thọ” nền đen chữ thếp vàng, viềng hoành phi chạm trổ hình người, xe, ngựa. Trên các xà, trụ đội đều được chạm khắc và ghép các mảng chạm khắc bằng gỗ đề tài tứ linh, hoa lá, muông thú. Trên các cột thì trang trí long vân, liễn đối.

Gian trái thờ Thần Nông Đại Đế: Khánh thờ chạm trổ song long tranh châu bên trên. Trong các ô hộc bên dưới chạm trỗ phụng, hươu, cá, bình bông, hoa lá cùng đôi câu đối. Trong khánh thờ là tượng Thần Nông Đại Đế ngồi trên ngay, đội mão, râu đen, tay cầm bầu nước. Trước khánh thờ cũng có bàn ngũ sự, bên trên là hoành phi “Vạn cổ mông hưu”.

Gian phải thờ Tiền Hiền-Hậu Hiền: Khánh thờ chạm trỗ song long tranh châu bên trên. Trong các ô hộc bên dưới chạm trổ phụng, hươu, cá, bình bông, hoa lá cùng đôi câu đối. Trong khánh thờ là linh vị gỗ sơn son thếp vàng với sáu chữ Hán Tiền Hiền-Hậu Hiền Thần Vị, bên trên là hoành phi gỗ nền đen chữ và hoa văn hoa lá bao quanh thếp vàng với bốn chữ Hán “Trạch biến phụng sơn”. Trước khánh thờ Tiền Hiền-Hậu Hiền cũng có bàn ngũ sự.

Ngoài ra, vách hông bên trái quay vào còn có khánh thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, vách hông bên phải là khánh Cố Chức. Hai bên là hai dãy nhà Tả đạt, Hữu thông cùng  miếu thờ Thụ Thần và tháp hỏa quang ngân khố bên ngoài cũng là các công trình nghệ thuật.

Có thể nói Minh Đức Cung là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa truyền thống độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc Hoa; là nơi để công chúng đến tìm hiểu, nghiên cứu.

Ngày 29/01/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 410/QĐ-BVHTTDL công nhận Minh Đức Cung là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.                                                                                    

Văn Tưởng