DI TÍCH ĐÌNH KHÁNH HƯNG
Lượt xem: 10067
Di tích đình Khánh Hưng tọa lạc tại ấp Cái Đôi, xã Long Khánh (trước giải phóng thuộc xã Long Vĩnh), huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Hiện tại chưa tìm được nguồn tư liệu chính xác để xác định ngôi đình được xây dựng vào năm nào. Tuy nhiên, tại đình còn lưu giữ một sắc thần có niên đại Tự Đức Ngũ niên (1852). Qua nội dung sắc thần có thể khẳng định đình Khánh Hưng đã tồn tại cách đây hơn 164 năm, bởi lẽ đình có trước niên đại Tự Đức Ngũ niên và đến năm 1852 thì được triều đình sắc phong.


Cũng qua lời truyền kể của các vị cao niên, người có uy tín của địa phương thì ngôi đình ban đầu được xây dựng rất quy mô do ông Cả Hùng, Cả Phan quản lý, đến nay đã trải qua 01 lần di dời và vài lần trùng tu sửa chữa, lần trùng tu năm 1986 do đình bị cháy nên xây dựng lại chánh tẩm, đến năm 2009 thì xây dựng nhà võ ca, đầu năm 2016 thì xây dựng lại mặt trước ngôi đình. Từ năm 1930 đến nay, có 14 vị chánh bái lần lượt thay nhau chăm lo việc cúng tế, hiện tại do ông Tăng Văn Vui làm Chánh bái. Lúc đầu ngôi đình được xây dựng tại Bến Đình (cũng thuộc ấp Cái Đôi, cách vị trí đình hiện tại khoảng 2 km), đến năm 1951, do sợ địch chiếm làm đồn nên Ban hội đình và bà con nhân dân tại địa phương chủ động phá hủy đình, đem sắc thần và một số hiện vật có giá trị vào rừng cất giấu. Đến khi địch lập khu trù mật tại Cái Đôi, Ban quản trị đình và nhân dân xây cất lại đình Khánh Hưng tại vị trí hiện nay để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, mặt khác là tiếp tục tổ chức hoạt động, nuôi chứa và bảo vệ cán bộ cách mạng.

Trước khi Đảng Cộng sản thành lập, đình Khánh Hưng là địa điểm tập trung, xây dựng căn cứ, chiêu tập binh mã của các nghĩa quân, phong trào yêu nước như: Đề Triệu, Nguyễn Xuân Phụng - Đoàn Công Bửu, Phan Tôn - Phan Liêm, Lê Tấn Kế - Trần Bình.

Đặc biệt, khi phong trào Thiên Địa Hội du nhập vào Việt Nam và đến Trà Vinh từ năm 1911, nhiều thành phần quần chúng địa phương như nông dân, tiểu thương, thợ thủ công tham gia vào tổ chức, quyên góp, mua sắm vũ khí, rèn dao, mã tấu, may cờ... để chờ ngày hành động chống Pháp. Giai đoạn đầu tại đình Khánh Hưng, Thiên Địa Hội hoạt động khá rầm rộ, ông Cả Phan (người trực tiếp quản lý đình) cùng với Nguyễn Quang Trung, Quản Tốt tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian như diễn hát ca kịch, cúng bái, nghinh thần, thu hút hàng trăm người tham gia thông qua dịp lễ hội hàng năm.

Ngày 04/9/1933, chi bộ xã Long Vĩnh được thành. Ngay khi được thành lập, chi bộ Long Vĩnh tổ chức phân công các đảng viên bám quần chúng nhân dân các ấp, tổ chức tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Riêng tại ấp Cái Đôi, các đồng chí trong chi bộ đã trực tiếp đến đình Khánh Hưng và bàn bạc với ban hội đình để chọn đình làm cơ sở hoạt động của cách mạng, và được ông Nguyễn Văn Có (chánh bái) và các thành viên trong hội đình đồng ý. Kể từ đó, đình Khánh Hưng là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc hội họp và nuôi chứa, bảo vệ các đồng chí nòng cốt của chi bộ Long Vĩnh trong những ngày đầu mới thành lập.

Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong Trà Vinh ra đời và hoạt động sôi nổi. Sau đó một tháng, tổ chức Thanh niên Tiền phong xã Long Vĩnh được thành lập do đồng chí Đỗ Xuân Quang làm Thôn bộ trưởng. Lợi dụng thế hợp pháp, công khai, Thanh niên Tiền phong củng cố phát triển lực lượng, tổ chức móc nối, xâm nhập vào hàng ngũ binh lính địch để làm công tác binh địch vận. Tại đình Khánh Hưng lúc này Thanh niên Tiền phong đã sử dụng làm hội quán để tập hợp lực lượng, tổ chức mở lớp huấn luyện dạy võ trước sân đình cho lực lượng cách mạng do ông Tám Công trực tiếp hướng dẫn giảng dạy, tham gia lớp huấn luyện có nhiều thành viên của Ban hội đình như: Tư Thượng, Năm Thạnh, Mười Thành…

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc cách mạng tháng Tám, chi bộ xã Long Vĩnh đến họp bàn với các cơ sở và Ban hội đình để phát động “Tuần lễ vàng” quyên góp tiền của và dụng cụ để chế tạo vũ khí chống thực dân Pháp. Hưởng ứng cuộc vận động, ông Trầm Văn Chánh (Tám Chánh) là thành viên trong Ban hội đình đã sử dụng nguồn quỹ của đình và đến từng nhà dân trong hội đình để quyên góp tiền của, lương thực, sau đó giao cho ông Nguyễn Văn Đủ chuyển cho lực lượng cách mạng của ta.

Cũng trong thời gian này, đình Khánh Hưng là một trong những cơ sở lớn của chi bộ lúc bấy giờ. Ban hội đình và bà con tín đồ của đình quyết tâm bảo vệ nuôi chứa cán bộ bám trụ hoạt động, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng. Trong đó có các cán bộ như: Đỗ Xuân Quang, Bí thư chi bộ; Đỗ Công Lao (Sáu Lao), Đỗ Trật Tự (Bảy Bừ), Lâm Thành Kiên, Lâm Hoàng Cảnh, Lâm Thanh Hồng, Hứa Văn Muôn, Dương Minh Thành, Phan Văn Đáng, Nguyễn Văn Đẹp, Nguyễn Văn Cơ, Nguyễn Trung Lương, Mai Văn Thiết, Lê Phát Nhiêu…

Đầu năm 1961, đồng chí Lê Văn Nhiêu (ông Năm chùa Nhiêu), cán bộ Mặt trận tỉnh đã trực tiếp đến đình Khánh Hưng bàn bạc, tổ chức đưa năm người trong Ban hội đình vào tham gia công tác mật, nắm tình hình địch gồm: Trần Văn Lược, Nguyễn Văn Nhí, Lê Thành Luông, Lê Văn Hải, Phạm Văn Đậm. Thời gian này, đình Khánh Hưng tiếp tục tổ chức nuôi chứa nhiều cán bộ mật, cán bộ hoạt động công khai và là nơi cất giấu tài liệu, tập trung hội họp, giao liên giữa quần chúng với cách mạng. Nhiều người là thành viên trong hội đình như ông Trầm Văn Chánh (Tám Chánh), Lê Văn Khuynh (Ba Khuynh), bà Ngô Thị Tượng (Hai Tượng) đã may cờ, quần áo, mua thuốc men, cung cấp lương thực giao cho cách mạng, người trực tiếp nhận là đồng chí Đỗ Công Lao (Sáu Lao), Bí thư chi bộ Long Vĩnh.

Qua nhiều lượt đình Khánh Hưng là tụ điểm sinh hoạt chính trị, động viên về tinh thần cách mạng trong quần chúng nhân dân ở xã Long Vĩnh, do đó ngôi đình bị địch cho là nơi tập hợp, vận động nhân dân chống lại bọn chúng. Năm 1963, địch nghi kỵ nên thường xuyên lùng sục, bố ráp và đốt ngôi đình. Lúc này, đồng chí Lê Văn Nhiêu đã đưa năm người trong Ban hội đình tham gia công tác mật, nắm tình hình địch lên chiến trường miền Đông, tham gia bộ đội chủ lực trực tiếp chiến đấu. Sau đó, có bốn đồng chí đã hy sinh gồm: Nguyễn Văn Nhí, Lê Thành Luông, Lê Văn Hải, Phạm Văn Đậm.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ta phát động hai cuộc tấn công vào khu trù mật tại Cái Đôi, quân dân Long Vĩnh đã đào đắp hơn 6.000 m chiến hào, phá hoại hàng chục Km đường giao thông, tham gia lực lượng này có nhiều thành viên, con em của Ban hội đình Khánh Hưng, tiêu biểu như Nguyễn Văn Ẩn, Nguyễn Văn Nhó, Tăng Văn Vui, Lê Văn Tròn, Ngô Văn Bảy.

Từ năm 1973-1975, được sự chỉ đạo của chi bộ nên phong trào đấu tranh của quần chúng được phát huy. Ban hội đình Khánh Hưng (lúc này do ông Ngô Văn Hoài làm chánh bái) tiếp tục vận động bà con trong bổn hội quyên góp tiền của, lúa gạo phục vụ cho kháng chiến, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động các gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con em bỏ súng ra hàng, về với nhân dân.

Qua hai cuộc kháng chiến, đình Khánh Hưng còn là cái nôi nuôi chứa các đồng chí Lãnh đạo chi bộ Long Vĩnh (chi bộ Đảng đầu tiên ở Duyên Hải) và nhiều đồng chí cán bộ của huyện, tỉnh trong những ngày đầu mới thành lập cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Đặc biệt có nhiều thành viên trong Ban hội đình qua các thời kỳ đã tích cực tham gia các phong trào cách mạng được Đảng, nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương như: ông Trương Văn Kỷ và các liệt sĩ Trương Văn Xám, Trương Văn Khóe, Nguyễn Văn Nhí, Lê Thành Luông, Lê Văn Hải, Phạm Văn Đậm.

Từ sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), một số thành viên trong Ban hội đình Khánh Hưng vẫn tiếp tục tham gia các mặt công tác xã hội của địa phương. Hiện tại, Ban hội đình có 25 thành viên, trong đó có nhiều người là đảng viên. Từ đó đến nay, các thành viên trong Ban hội đình Khánh Hưng và bà con nhân dân trong bổn hội nơi đây càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau ra sức đoàn kết xây dựng, tiếp tục tu bổ di tích ngày càng khang trang hơn. Các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội vẫn được duy trì, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của bà con trong vùng. Mặt khác, đình còn là nơi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với quần chúng nhân dân địa phương trong mỗi dịp lễ hội. Hàng năm Ban hội đình còn tham gia cùng chính quyền địa phương vận động, đóng góp hỗ trợ tiền, tặng quà cho hộ nghèo, tặng tập sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Như vậy, đình Khánh Hưng đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, góp phần vào thành tích chung của trang sử Đảng bộ và nhân dân xã Long Vĩnh anh hùng (nay được chia tách địa giới hành chính là Long Vĩnh, Long Khánh, Long Toàn và thị trấn Long Thành), danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã Long Vĩnh nói riêng, của huyện Duyên Hải nói chung.

Đình Khánh Hưng đang được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lập hồ sơ khoa học di tích trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xét xếp hạng di tích cấp tỉnh theo  Quyết định số 305/QĐ-UBND ngày 02/3/2017.


                                                                                                   Tường Đoan