Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại tỉnh Trà Vinh cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021

         Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trà Vinh, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi của tỉnh thời điểm cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 diễn biến khá phức tạp. Các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và Duyên Hải xuất hiện dịch bệnh Lở mồm long móng (LMLM); thị xã Duyên Hải huyện Châu Thành tái phát bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP); thành phố Trà Vinh, huyện Cầu Kè và huyện Càng Long xảy ra bệnh Dại chó. Điều đáng lưu ý là tính chất nguy hiểm của bệnh LMLM ngày càng tăng, gây chết nhanh, thậm chí có nhiều trường hợp chưa phát hiện triệu chứng lâm sàng.

         Tỷ lệ tiêm phòng vaccine thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh LMLM thường xuyên xảy ra, qua điều tra dịch tễ cho thấy tất cả các trường hợp bò bệnh LMLM và chó mắc bệnh Dại đều chưa được tiêm phòng. Đối với bệnh DTHCP, công tác đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh chưa thật sự được chú trọng, mặc dù các hộ nuôi heo có đăng ký tái đàn với chính quyền địa phương nhưng chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định, heo bệnh DTHCP đều thả nuôi trên nền chuồng cũ đã bị bệnh DTHCP năm 2019. 

Tiêm phòng vaccne phòng bệnh cho gia cầm

         Trước tình hình dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chính quyền các địa phương khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định (Tuyên truyền, lấy mẫu xét nghiệm bệnh, tiêu độc khử trùng, tổ chức tiêm phòng, tiêu hủy gia súc bệnh, chết,…). Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch gặp không ít khó khăn, như: Chủ nuôi không hợp tác trong tiêm phòng vaccine, nhất là đối với trường hợp bò mang thai; hầu hết chó nuôi thả rông rất khó bắt để tiêm phòng. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm, tập trung cho công tác tiêm phòng nói riêng và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

         Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời tiết đang chuyển mùa làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi (giảm) tạo điều kiện để dịch bệnh phát sinh và lây lan sang diện rộng. Đồng thời, dịch bệnh LMLM, DTHCP, Cúm gia cầm, Dại chó đã và đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay cả nước có11 ổ dịch LMLM tại 11 huyện thuộc 07 tỉnh, 382 ổ dịch DTHCP tại 105 huyện của 27 tỉnh, thành phố và 1.249 ổ dịch Viêm da nổi cục (VDNC) tại 181 huyện của 25 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày[[i]]. Đối với tỉnh Trà Vinh, qua các đợt lấy mẫu xét nghiệm, đều cho thấy kết quả mầm bệnh các loại đã và đang tồn tại trong môi trường chăn nuôi, các cơ sở giết mổ và khu vực mua bán động vật tại các chợ. Do đó, ngoài bệnh LMLM, bệnh DTHCP, bệnh Dại thì bệnh Cúm gia cầm và VDNC sẽ luôn là nguy cơ tiềm ẩn cho đàn gia súc, gia cầm của bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch như: Công điện số 163/CĐ-TTg ngày 08/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; Công điện 631/CĐ-TTg ngày 17/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 24/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025,…

Vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi

là một trong những giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật[[ii]]

         Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương và hộ nuôi gia súc, gia cầm cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể: (1) Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm qua các lớp tập huấn, cấp phát tài liệu bướm,...; đặc biệt, tuyên truyền các giải pháp chủ động phòng bệnh là chính, chống dịch quyết liệt, khẩn trương và xử lý dứt điểm các ổ dịch, vùng dịch. (2) Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, kịp thời, cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh. (3) Giám sát chặt chẽ việc buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển động vật. (4) Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 09/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, chăn nuôi, thủy sản và cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2021. (5) Khi xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để chống dịch, kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, kéo dài.

 



[i] Công văn số 58/CCCNTY-QLDB ngày 205/2021 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh động vật. Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã phát sinh từ tháng 01-3/2021, cụ thể: (1) bệnh DTHCP đã phát sinh tại 03 hộ chăn nuôi ở 02 ấp, 02 xã của 01 huyện; (2) bệnh LMLM đã phát sinh tại 03 hộ chăn nuôi ở 02 ấp, khóm, 02 phường, xã của 02 huyện, thành phố; (3) xảy ra 02 trường hợp chó mắc bệnh Dại cắn người, ở 02 thị trấn của 02 huyện

[ii] Trên địa bàn tỉnh đang thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc” Đợt I/2021 trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời tiến hành tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm

 

 

Nguyễn Ngọc Lan

Phòng Quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 

 

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới