Nông nghiệp hữu cơ vướng từ đâu?

         Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng thịnh hành, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch ngày càng tăng cao. Tại Việt Nam diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 53.350 ha từ năm 2016 lên 237.693 ha năm 2019. Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có diện tích hữu cơ lớn ở Châu Á. Đến nay, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới. Cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ, trong đó có tỉnh Trà Vinh. Tại tỉnh Trà Vinh, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ yếu về trồng trọt, gồm: 1.294 ha dừa tại Đại xã Phước và xã Đại Phúc (huyện Càng Long), xã Tân Hòa, xã Tập Ngãi, xã Ngãi Hùng và xã Tân Hùng (huyện Tiểu Cần); trên 180 ha lúa tại xã Long Hòa và xã Hòa Minh (huyện Châu Thành), xã Vinh Kim, xã Mỹ Hòa và xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang), các diện tích sản xuất hữu cơ (dừa và lúa) đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra.

         Theo các nhà khoa học, từ xưa người Việt Nam đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ với việc sử dụng phân chuồng, phân xanh và phế, phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, cuộc cách mạng hóa học hóa nông nghiệp đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu nhiều loại nông sản hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, môi trường bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị suy giảm, chất lượng nông sản không an toàn[i],… Để sản xuất hữu cơ cần đảm bảo 4 nguyên tắc, đó là: Nguyên tắc về sức khỏe (đảm bảo sức khỏe con người; đảm bảo sức khỏe độ màu mỡ của đất), nguyên tắc về sinh thái (sản xuất phải được dựa vào các quy trình của hệ sinh thái, đó là quá trình sản xuất, tiêu thụ và phân hủy; quản lý phải phù hợp với quy mô, với văn hóa với sinh thái và các điều kiện địa phương), nguyên tắc về sự công bằng (nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng cùng với sự quan tâm đến môi trường chung và những cơ hội sống cho tất cả sinh vật) và nguyên tắc về sự cận trọng (nông nghiệp hữu cơ cần được quản lý theo cách phòng ngừa và có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai).

Tổng diện tích lúa gieo trồng của tỉnh Trà Vinh là 205.114 ha[ii],
 nhưng diện tích lúa sản xuất hữu cơ còn thấp, chỉ trên 180 ha
 (Trong hình là cánh đồng lúa xã Phước Hảo, huyện Cầu Thành)

         Từ những năm 2007, Việt Nam đã có hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn hiệu và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ và gần nhất là Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Tuy nhiên, theo đánh giá tại Hội thảo Tập huấn nâng cao nhận thức sản xuất và năng lực chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ[iii], bên cạnh những mặt được thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều hạn chế.

         Về quản lý, hiện nay có nhiều tiêu chuẩn hữu cơ trong nước và quốc tế, nhưng các tiêu chuẩn hữu cơ chưa có sự thống nhất. Cụ thể, tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam khác với tiêu chuẩn hữu cơ của các nước dẫn đến người sản xuất lúng túng trong việc áp dụng. Về đơn vị chứng nhận hữu cơ, đến tháng 3/2021, cả nước có 23 cơ sở hoạt động, gồm 19 cơ sở trong nước và 04 cơ sở ngoài nước. Tuy nhiên, việc quản lý những cơ sở ngoài nước vẫn còn những bất cập gây “ấm ức” cho các cơ sở trong nước. Giải pháp cho vấn đề là cần có cơ quan làm trọng tài xử lý mâu thuẫn về tiêu chuẩn hữu cơ, phải bảo hộ được giấy chứng nhận của Việt Nam và chứng nhận của Việt Nam phải có giá trị ngoài nước; ngược lại, chứng nhận hữu cơ ngoài nước cũng phải phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam. Hoặc, các cơ sở trong nước hợp tác với các cơ sở nước ngoài sẽ giúp cho sản phẩm hữu cơ của Việt Nam thuận lợi hơn khi xuất khẩu, ở chiều ngược lại sản phẩm hữu cơ nước ngoài cũng dễ dàng hơn khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Thực tế một số cơ sở trong nước đã và đang hợp tác với các cơ sở nước ngoài để xử lý những bất cập này.

         Về sản xuất, người dân đã quen với tập quán sản xuất sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật và không dễ một sớm một chiều thay đổi. Do sử dụng phân bón vô cơ lâu ngày làm cho đất bị ô nhiễm, để sản xuất sản phẩm hữu cơ cần phải cải tạo đất ít nhất là 3 năm hoặc lâu hơn. Trong sản xuất hữu cơ ngoài vùng sản xuất hữu cơ cần phải quản lý tốt vùng đệm, tức là sản xuất hữu cơ đòi hỏi phải có diện tích lớn, thực tế hiện nay người dân sản xuất quy mô nhỏ, manh mún khó tạo ra vùng sản xuất hữu cơ. Muốn sản xuất hữu cơ cần phải tập hợp lại, như hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (đây là đề vướng hiện nay) hoặc cần kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác, sản xuất hữu cơ năng xuất thường không cao, chi phí sản xuất hữu cơ cao gấp 2-4 lần so với sản xuất thông thường dẫn đến đội giá thành, người tiêu dùng khó tiếp cận và khó chấp nhận. Một cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, mặc dù Sóc Trăng đã sản xuất được gạo hữu cơ ST24, ST25 nổi tiếng nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi nhân rộng, tương tự như ở Trà Vinh cũng không dễ dàng khi nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ do những vấn đề như đã nêu trên. Ngoài ra, sản xuất hữu cơ không phải là phương thức sản xuất có thể triển khai ồ ạt trên diện rộng, sản phẩm (hiện) chỉ phục vụ cho phân khúc thị trường yêu cầu cao về chất lượng và cho người có thu nhập cao, hay nói cách khác là vấn đề về thị trường tiêu thụ.

         Về người tiêu dùng, ngoài giá thành cao khó tiếp cận và khó chấp nhận thì tính minh bạch trong sản xuất, minh bạch trong chứng nhận sản phẩm hữu cơ chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, nên người tiêu dùng chưa “nhiệt tình” với sản phẩm hữu cơ. Hơn nữa, việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm hữu cơ chưa được chú trọng, không phải người tiêu dùng cũng phân biệt được sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác. Ngay sản phẩm hữu cơ cũng là “ma trận” đối với người tiêu dùng, có ít nhất 4 nhóm sản phẩm hữu cơ, gồm: Sản phẩm 100% thành phần từ hữu cơ, sản phẩm hữu cơ có 95% thành phần hữu cơ trở lên, sản phẩm được làm với thành phần hữu cơ có 70-94% thành phần hữu cơ và sản phẩm có thành phần hữu cơ có 70% thành phần hữu cơ trở xuống.

Nuôi tôm sinh thái sự sinh trưởng, phát triển của tôm
 phần lớn phụ thuộc vào tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố môi trường nuôi

         Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển của thế giới nhằm hướng đến các sản phẩm tiêu dùng an toàn, gần với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống. Mặc dù còn những vướng mắc nhất định, nhưng phát triển nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp phát triển bền vững mà nền nông nghiệp Việt Nam và tỉnh Trà Vinh cần hướng tới, để có thể góp phần giải quyết bài toán “được mùa mất giá”. Về chính sách hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 cùng một số văn bản khác của Trung ương và địa phương.

Trần Văn Đoái



[[i]] TSKH. Hà Phúc Mịch. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ và vai trò của nông dân trong hệ thống PGS, Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam hội nhập và phát triển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hành

[[ii]] Báo cáo tổng kết năm 2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh.

[[iii]] Hội thảo do Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức tại Cần Thơ ngày 26/4/2021. Trong bài có sử dụng thông tin, số liệu trích dẫn từ Hội thảo.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới