Nguyễn Thị Út (1931 - 1968)

           Nguyễn Thị Út , sinh ngày 19/04/1931 , tại xã Tam Ngãi, quận Cầu Kè, tỉnh Cần thơ (nay là xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh).

         Cha chị, ông Nguyễn Văn Xương, sinh năm 1899, người làng Tích Thiện, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Vì gia đình nghèo, ông phải đi làm mướn, ở đợ, trôi dạt đến vùng Rạch Lá, Tam Ngãi. Tại đây, ông đã gặp bà Lê Thị Mười, là người cùng cảnh ngộ. Khi đã thành vợ chồng, ông bà Xương vẫn tiếp tục cuộc sống ở đợ cho địa chủ Hàm Giỏi.

Chị Út và hai chị của mình (chị Hai Keo, chị Ba Cao) sinh ra và lớn lên trong nhà địa chủ Hàm Giỏi. Cuộc đời của ba chị em, vì thế không thể vượt qua số kiếp tôi đòi. Ngay từ nhỏ, họ phải làm việc cho địa chủ để kiếm miếng ăn, hết Hàm Giỏi đến con y là Hội đồng Thanh.
Năm 1944, ông Nguyễn Văn Xương lâm trọng bệnh, phải ra tận Cầu Kè chữa trị, nhưng bệnh không giảm. Lo lắng trước bệnh tình của con rể, ông ngoại chị Út kêu cả gia đình về cất nhà ở đầu ấp Ngãi Nhất, giáp ấp Ngọc Hồ (chỗ chị ở thường gọi là Cây Sanh) với hy vọng đổi chỗ ở may ra ông Xương khỏi bệnh.

       Mặc dù rất nghèo, nhưng gia đình nội, ngoại vẫn dốc sức chữa trị, song bệnh ngày một trầm trọng hơn. Ông mất năm 1944, lúc này chị Nguyễn Thị Út vừa tròn 13 tuổi.    Mười ba tuổi nhưng chị Út đã qua 5 năm ở đợ. 

         Trong ba chị em, Út là đứa “rắn mắt”, cứng cỏi và gan dạ nhất. Năm 12 tuổi Nguyễn Thị Út đã dám đánh trả lại địa chủ (ném dao cau vào tay vợ Hàm Giỏi, ném ớt bột vào mắt vợ Hội đồng Thanh). Hành động ấy, khí chất ấy tuy rất hồn nhiên và tự phát của tuổi thơ ngây nhưng cũng dự báo một tính cách anh hùng quả cảm của chị Nguyễn Thị Út sau này.

         Ngày 19 tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Mặt trận Việt Minh đã ra tuyên ngôn, kêu gọi toàn thể đồng bào cùng nhau đoàn kết phá xiềng xích nô lệ, giải phóng đất nước. Năm 1944 phong trào cách mạng lớn mạnh, lan rộng khắp các địa phương. Cũng năm cha chị qua đời, chị được các anh em cách mạng giải phóng cuộc đời nô lệ cho chị, và cả gia đình, bằng việc trả 1 đồng bạc nợ cho Hàm Giỏi, mà nếu không, chị không bao giờ trả nổi. Từ đây, cuộc đời ở đợ của chị đã chấm dứt. 

         Sau Cách mạng tháng Tám, phong trào cách mạng của Tam Ngãi ngày càng sôi động hơn. Không khí vui tươi, tưng bừng của ngày độc lập phải tạm lắng vì thực dân Pháp bắt đầu trở lại xâm chiếm nước ta. Những tấm gương chiến đấu anh dũng, ngoan cường của chú Chín Luông, anh Tịch và nhiều anh em khác đã khơi dậy trong lòng chị lòng cảm phục, ngưỡng mộ. Cá tính tinh nghịch, táo tợn thời tuổi nhỏ nay có dịp phát triển theo một hướng mới, ý thức về nỗi đau, nỗi nhục của cuộc đời ở đợ, muốn được đấu tranh đòi lại những gì đã bị địa chủ bóc lột, tước đoạt: Ý thức được trả thù cho mình và những người bị áp bức.

         Chị Út đến với cách mạng, với kháng chiến thật đơn giản, như câu nói của chị “nó đánh mình, mình đánh nó…” (theo tác phẩm”Người Mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi). Bên trong câu nói đơn giản đó là một ý thức giai cấp rạch ròi, là một ý chí chiến đấu không ngoan nhượng trước kẻ thù của chính chị, gia đình chị và của đồng bào chị. Chị dấn thân vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với lòng đầy thanh thản, không sợ gian khổ, hy sinh. Khi cuộc chiến đến thời kỳ ác liệt, thế ta và địch không cân bằng, chị đã nói :”Còn cái lai quần cũng đánh!”. Lời nói đó như một lời thề.hTháng 12/1949, ta mở chiến dịch Cầu Kè, chị Út đảm trách công tác giao liên, trinh sát của tổ chức Công an xung phong do ông Chín Luông chỉ huy. Chị theo dõi, nắm vững tình hình địch, báo tin kịp thời với lực lượng quân sự địa phương và bộ đội chủ lực để phối hợp tác chiến (trận Rạch Cách, trận bót Bến Cát) gây nhiều tổn thất cho địch.

         Đầu năm 1950, Nguyễn Thị Út xây dựng gia đình với Lâm Văn Tịch (người Việt gốc Khmer) cũng là chiến sĩ trong lực lượng vũ trang địa phương.

Có gia đình nhưng chị vẫn tham gia công tác. Vừa đảm đang việc nhà, vừa đảm bảo công tác giao liên, trinh sát địch tình. Chị hoàn thành nhiệm vụ trao kế hoạch của chú Chín Luông cho cơ sở bí mật để tổ chức cứu một đồng chí lãnh đạo Ban binh vận tỉnh bị bắt, bí mật đưa vũ khí qua Cầu Kè cho anh em giết tên quận Hùm khét tiếng ác ôn lúc bấy giờ.

         Năm 1953, chị sanh con đầu lòng, cháu Lâm Thị Bé. Tình hình chiến trường Cầu Kè lúc này quá căng thẳng, chú Chín Luông và một số anh em khác hy sinh. Bị giặc lùng ráo riết, chị phải bồng con qua Sa Đéc lánh mặt. Tại đây, chị bắt liên lạc với cơ sở nội tuyến, cùng đồng đội đi phá cầu, lấy bót Cây Châu. Tình hình bớt căng thẳng, chị lại bồng con về Tam Ngãi.

         Sau Hiệp định đình chiến năm 1954, vợ chồng chị được phân công ở lại, hoạt động hợp pháp. Chính quyền ngụy Sài Gòn không tôn trọng Hiệp định, ra sức bắt bớ, đàn áp, trả thù những người kháng chiến cũ. Trong số người bị bắt, có anh Tịch - chồng chị. Chính chị đã trực diện đấu tranh với Quận trưởng Cầu Kè, đòi thả anh Tịch và những đồng chí khác cùng bị bắt, chống lệnh bắt dân xây dựng khu trù mật.

         Thời gian sau đó (1955 – 1959) gia đình chị tạm lánh về Kế Sách làm ăn, vì ở quê phong trào tố cộng quá ráo riết. Lúc này chị đã sinh thêm được 2 cháu. (Cháu thứ hai là Lâm Thị Thanh, cháu thứ ba là Lâm Thị Tho). Tại đây, chị móc nối với cơ sở cách mạng địa phương là anh Tám Tháo, tiến hành công tác binh vận, lấy được 6 thùng đạn. Trong thời kỳ này, có trong tay 6 thùng đạn thật là quí.

         Cuối năm 1959, hai vợ chồng trở về Tam Ngãi, sinh thêm người con thứ tư là Lâm Thị Kim Anh. Năm 1960, trong cuộc Đồng Khởi, anh Lâm Văn Tịch tham gia phong trào quân sự địa phương, chị Út hoạt động trinh sát. Cũng năm 1960, bằng phương pháp binh vận, chị tham gia lấy đồn Tám Thế mà không tốn một viên đạn.

Chiến công nối tiếp chiến công, mặc dù bụng mang dạ chửa, chị cũng đã chỉ huy chặn đánh lính đồn ấp Chông Nô Ba trên đường chúng đi về Cầu Kè, diệt 6 tên; Đánh bót ấp Chông Nô Ba (tại Chòm Dừa) đang lúc có Quận trưởng Cầu Kè tại đó.

         Đang lúc có thai bảy tháng, chị cùng đồng đội đánh bót Đường Trâu của sếp Mách. Đồng đội và bà con  rất ái ngại, khuyên chị nghỉ dưỡng thai đợi ngày sinh nở. Chị trả lời thản nhiên: “Có ai đánh giặc mà chờ sinh xong mới đánh, còn gà mái là con gà giò. Cứ đánh!”. Gương đánh giặc của chị khiến cho đồng đội hết sức thương yêu và kính phục.

         Năm 1961, người con thứ năm là Lâm Văn Hiển ra đời. Chưa đầy một tháng sau ngày sinh, trước tình trạng thiếu đạn, chị Út đã khéo léo làm công tác binh vận, lấy nhiều đạn địch cho cách mạng. Đồng thời tham gia trực tiếp trận tấn công ấp chiến lược Chông Nô 2 - một lá chắn quan trọng bảo vệ huyện lỵ Cầu Kè của kẻ thù.

         Noi gương chiến đấu dũng cảm của chị Nguyễn Thị Út, chị em phụ nữ tham gia lực lượng quân sự ngày một đông. Do vậy, lãnh đạo cấp trên cho phép xã Tam Ngãi thành lập đội du Kích nữ  - Nguyễn Thị Út được cử làm tiểu đội trưởng. Cùng với đơn vị du kích của chồng, chị đã tổ chức nhiều trận đánh, góp phần làm tiêu hao sinh lực địch. Đồng thời, chị còn tổ chức đấu tranh chính trị bằng cách vận động các mẹ, các chị rải truyền đơn, công tác binh vận. 

         Tháng 5/1964, chị được Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh tuyên dương. Tháng 7/1964 lực lượng du kích xã Tam Ngãi đánh bót Bà Mi, Thạnh Phú, trong khi chị đang có thai lần thứ sáu.

         Ba ngay sau khi sinh người con thứ sáu là Lâm Văn Hùng, chị phải gượng tập đi vì chiến trường đang nóng bỏng, đồng đội đang cần chị. Chị ngồi xuồng cho con chèo đi đến các cơ sở binh vận để tiếp đạn. Bất ngờ một cơn mưa lớn ập đến, bị trúng nước, chị sốt mê man, buộc phải qua bên kia sông Hậu điều trị. Ba tuần sau, người con thứ sáu vừa tròn một tháng tuổi, dù đang còn rất yếu, chị đã trở về cùng đồng đội dự trận đánh lớn lấy bót Bà My.

         Sau đó, chị tham gia chặn đánh một trung đoàn giặc đổ bộ vào ấp Tân Dinh. Quân ta thắng lớn. Thế là Tam Ngãi được giải phóng.Với thành tích chiến đấu dũng cảm và quên mình, năm 1964 chị vinh dự được kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng (nay là Đảng cộng sản Việt Nam).
Tháng 4/1965, Mỹ dùng trực thăng đổ quân và 4 cố vấn Mỹ xuống Thị trấn Cầu Kè. Chúng nã pháo liên tục vào Tam Ngãi, gây thiệt hại cho ta. Chị Nguyễn Thị Út cải trang ra Thị trấn nắm tình hình tìm cách tiêu diệt cụm pháo của địch. Nhờ mưu trí, chị đã tổ chức được anh Năm, người Khmer tiếp cận, điều tra kỹ nên đạn cối của bộ đội ta đã trúng đích, tiêu diệt 2 khẩu đại pháo của địch.

         Sau chiến công vang dội đó, chị Nguyễn Thị Út được cử đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang toàn miền. Tại Đại hội chị được bầu là nữ anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tăng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì, với thành tích: “Đã tham gia 23 trận lớn nhỏ (có 8 trận thời kháng chiến lần I)” góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã trên 200 giặc, thu 70 súng. Đồng chí là một chiến sĩ trinh sát dũng cảm và mưu trí, một chiến đấu viên ngoan cường, một chiến sĩ binh vận tài tình đã vận động phá vỡ nhiều binh sĩ địch, nhiều lần đưa bộ đội vào diệt bót lấy súng không tốn một viên đạn”.Lúc này chị là xã đội phó.     
Không bao lâu sau chị được điều về Quân khu công tác. Chồng chị cùng các con cùng thuyên chuyển  theo.

         Năm 1965, chị sinh ngươì con thứ bảy là Lâm Thị Đồng Xuân .  

         Năm 1968, Chị sinh người con út tên là Lâm Thị Hồng.

        Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, chính quyền Sài Gòn tiến hành nhiều cuộc phản kích với quy mô lớn, nhằm tiêu diệt cơ sở và lực lượng cách mạng. Trong một trận công kích bằng máy bay B52 của Mỹ vào vào 27/11/1968 xuống vùng Tân Châu, Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang) nữ anh hùng Nguyễn Thị Út đã hi sinh cùng với người con là Lâm Thị Thoa.

Anh Lâm văn Tịch được điều về Trà Vinh, năm 1971 làm huyện đội phó huyện Cầu Kè, anh đã hi sinh vào tháng 5/1974. 

         Chị Nguyễn Thị Út đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xứng đáng là cháu con của Bà Trưng, Bà Triệu, nêu tấm gương kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang, cho chị em phụ nữ và cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.

(Nguồn: http://travinh.gov.vn)

Bản đồ

LĨNH VỰC NGÀNH













Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 2359
  • Trong tuần: 24 784
  • Tất cả: 4198915
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.